
AI 2025: Mô Hình Trí Tuệ Nhân Tạo Hướng Tới Lợi Ích Cộng Đồng Và Sự Gắn Kết Con Người

Khi trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, các chuyên gia và lãnh đạo ngành dự báo rằng năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi đáng kể. AI sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến các ngành nghề, thay đổi cách thức làm việc trong doanh nghiệp
Mô hình AI nhỏ và tập trung vào mục tiêu cụ thể
Grant Shipley, Giám đốc cấp cao về AI tại Red Hat, cho rằng trong tương lai, người ta sẽ không còn đánh giá AI dựa vào số lượng tham số nữa. Ông dự đoán rằng từ năm 2025, thay vì chạy theo mô hình “càng to càng tốt,” AI sẽ được phát triển để phục vụ những mục đích cụ thể hơn. Các nhà phát triển sẽ kết hợp nhiều mô hình nhỏ với nhau, giống như cách các phần mềm hiện đại được xây dựng ngày nay.
Cách làm này sẽ giúp tạo ra các ứng dụng vừa hiệu quả, vừa linh hoạt và phù hợp hơn với nhu cầu cụ thể của từng người dùng.
Mã nguồn mở sẽ dẫn đầu xu hướng
Bill Higgins, Phó Chủ tịch và Giám đốc Kỹ thuật tại IBM, dự đoán rằng trong năm 2025, các mô hình AI mã nguồn mở sẽ trở nên phổ biến hơn. Ông cho biết: “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thấy được lợi ích cụ thể từ việc đầu tư vào AI, một phần vì chi phí cấp phép của các mô hình độc quyền quá cao. Trong năm 2025, AI mã nguồn mở sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu để giải quyết vấn đề này.”
Lý do là vì các mô hình AI mã nguồn mở không chỉ rẻ hơn mà còn minh bạch và dễ tùy chỉnh theo nhu cầu. Điều này giúp chúng đặc biệt phù hợp cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều nền tảng đám mây. Khi hiệu suất của AI mã nguồn mở tiệm cận với các mô hình độc quyền, nó sẽ giúp doanh nghiệp chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang giai đoạn mở rộng ứng dụng thực tế.
Dự báo này cũng được đồng tình bởi Nick Burling, Phó Chủ tịch cấp cao tại Nasuni. Ông cho rằng trong năm 2025, các doanh nghiệp sẽ cẩn trọng hơn khi đầu tư vào AI. “Doanh nghiệp sẽ lên kế hoạch rõ ràng và chỉ triển khai những dự án AI có mục tiêu cụ thể và mang lại kết quả đo lường được,” ông nói.
Ngoài ra, việc quản lý dữ liệu tại các điểm biên (edge) và tối ưu chi phí sẽ là yếu tố quan trọng, giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả và tránh phát sinh chi phí không kiểm soát.
Tăng cường chuyên môn con người với sự hỗ trợ của AI
Jonathan Siddharth, Giám đốc điều hành của Turing, dự đoán rằng trong năm 2025 điểm mạnh lớn nhất của AI sẽ là khả năng học hỏi từ chuyên môn của con người và áp dụng vào thực tế ở quy mô lớn.
Ông giải thích: “Bước đột phá thật sự sẽ xảy ra khi chúng ta có thể dạy cho AI cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề giống như con người.” Ông cũng nói rằng sự cạnh tranh trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính và y tế sẽ phụ thuộc vào việc ai biết cách kết hợp AI với kiến thức chuyên môn của con người để đạt được kết quả tốt hơn.
Tâm lý học hành vi sẽ bắt kịp với sự phát triển của AI
Niklas Mortensen, Giám đốc Thiết kế tại Designit, cho rằng việc hiểu rõ cách con người tương tác với các hệ thống AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của công nghệ này.
Ông giải thích: “Chúng ta đã thấy nhiều trường hợp thuật toán cho ra kết quả sai vì không hiểu đúng hành vi con người. Do con người luôn có sự khác biệt và phức tạp, nên tâm lý học hành vi sẽ sớm trở thành một phần quan trọng để phát triển AI.”
Một giải pháp mà ông đưa ra là tạo ra những “khoảng dừng” trong quá trình hoạt động của AI, để con người có thể can thiệp, giám sát và giữ sự cân bằng giữa tự động hóa và kiểm soát của con người, đặc biệt là trong những lĩnh vực quan trọng như y tế hay giao thông.
Ngoài ra, ông Mortensen tin rằng các trợ lý AI cá nhân sẽ thực sự phát huy giá trị khi có thể giúp con người sắp xếp công việc, cuộc sống hàng ngày một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Kết nối giữa thế giới hiện đại và kỹ thuật số
Andy Wilson, Giám đốc cấp cao tại Dropbox, dự báo rằng AI sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và công việc của chúng ta. “AI sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà sẽ trở thành một phần quan trọng trong việc kết nối, sáng tạo và hợp tác, mang đến những giải pháp hiệu quả cho công việc và cuộc sống hàng ngày,” ông chia sẻ.
Theo ông, các thiết bị di động và thiết bị đeo thông minh sẽ dẫn đầu xu hướng này, mang đến những trải nghiệm tiện lợi và liền mạch nhờ AI. Tuy nhiên, Wilson cũng cảnh báo rằng khi AI được tích hợp sâu vào cuộc sống, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề mới về việc phân định giữa dữ liệu cá nhân và dữ liệu công việc.
Tăng cường khả năng tính toán và suy luận của AI
James Ingram, Phó Chủ tịch Công nghệ tại Streetbees, cho rằng trong thời gian tới, AI sẽ không chỉ tập trung vào việc huấn luyện mô hình, mà sẽ cần nâng cao khả năng suy luận và ra quyết định nhanh trong thời gian thực.
Ông nhấn mạnh rằng khi các vấn đề trở nên phức tạp hơn, AI phải đủ thông minh và linh hoạt để phân tích và xử lý dữ liệu nhanh chóng, thậm chí có thể làm tốt hơn con người ở một số lĩnh vực.
Sự phát triển mạnh mẽ của AI và nền tảng dữ liệu thống nhất
Dominic Wellington, Kiến trúc sư Doanh nghiệp tại SnapLogic, cũng cho rằng AI sẽ ngày càng sáng tạo và linh hoạt hơn vào năm 2025. Tuy nhiên, để làm được điều đó, AI cần có nền tảng dữ liệu đầy đủ và kết nối chặt chẽ, bởi dữ liệu rời rạc và thiếu đồng bộ sẽ khiến kết quả kém chính xác.
Ông dự đoán rằng các doanh nghiệp sẽ đầu tư mạnh vào các giải pháp giúp làm sạch, liên kết và chuẩn hóa dữ liệu, tạo nền tảng để AI hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy hơn.
AI tạo ra bước đột phá trong năm 2025
Jason Schern, Giám đốc Công nghệ khu vực tại Cognite, dự đoán rằng năm 2025 sẽ là năm chứng kiến sự ra đời của những giải pháp AI thực sự có thể thay đổi các ngành công nghiệp.
AI sẽ giúp các ngành công nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đưa ra quyết định chính xác hơn cho từng tình huống. Ví dụ, AI có thể giảm thời gian phân tích nguyên nhân gốc rễ từ vài tháng xuống chỉ còn vài phút.
Deepfakes và vấn đề xác thực dữ liệu
Siggi Stefnisson, Giám đốc Công nghệ An toàn Mạng tại Gen, cảnh báo rằng công nghệ AI tạo sinh (generative AI) có thể khiến mọi người khó phân biệt thông tin thật hay giả. “Ngay cả các chuyên gia cũng có thể gặp khó khăn khi kiểm chứng thông tin” - Ông nói. Để giải quyết vấn đề này, cần có các hệ thống chứng nhận số đáng tin cậy để xác minh nguồn gốc nội dung và khôi phục niềm tin trong môi trường số.
Năm 2025 được xem là cột mốc chuyển đổi, khi AI không còn chỉ dừng ở mức thử nghiệm mà sẽ được ứng dụng thực tế, mang lại giá trị rõ ràng và giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tác động của công nghệ này đến cuộc sống.
(Ryan Daws, “AI in 2025: Purpose-driven models, human integration, and more”, AI News, 2025)
Tin tức
























