
AI Định Hình Tương Lai Ngành Bán Lẻ Tại Châu Á - Thái Bình Dương Năm 2025

SINGAPORE: Khi các thương hiệu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chuẩn bị bước vào năm 2025, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất từ Retail Asia cảnh báo rằng các thương hiệu phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ người tiêu dùng, những người mong muốn có được trải nghiệm khách hàng chân thực và phù hợp hơn.
Andrea Ng, Giám đốc Nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Canvas8, đã nhấn mạnh rằng vai trò của AI không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các gợi ý cá nhân hóa. Thay vào đó, các hệ thống AI tiên tiến sẽ định hình lại cách doanh nghiệp hiểu và tương tác với khách hàng bằng những phương thức linh hoạt và mang tính nhân văn hơn.
Tính chân thực là yếu tố then chốt
Người tiêu dùng, đặc biệt ở các thị trường phát triển như Hồng Kông, ngày càng khó tính hơn với những trải nghiệm cá nhân hóa không thực sự chân thực hoặc quá máy móc. Một số liệu đáng chú ý cho thấy 90% người tiêu dùng tại Hồng Kông sẵn sàng từ bỏ một thương hiệu nếu họ cảm thấy trải nghiệm không đủ tính cá nhân hóa hoặc không phù hợp với nhu cầu của mình.
Điều này đặt ra thách thức lớn cho các thương hiệu: họ cần xây dựng các tương tác sâu sắc hơn với khách hàng, kết hợp giữa khả năng phân tích dữ liệu của AI và yếu tố cảm xúc từ con người.
Andrea Ng nhấn mạnh rằng người tiêu dùng hiện nay muốn có nhiều quyền kiểm soát hơn trong các tương tác với thương hiệu. Điều này đồng nghĩa với việc các công cụ quản lý quan hệ khách hàng (CRM) và các hệ thống hỗ trợ tương tác phải được thiết kế để mang lại trải nghiệm liền mạch, dễ sử dụng và thực sự có tính cá nhân hóa.
Một ví dụ điển hình là nền tảng tài chính số GCash tại Philippines đã cách mạng hóa ngành ngân hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính được thiết kế riêng cho nhu cầu của từng khách hàng. Điều này không chỉ giúp gia tăng sự hài lòng mà còn nâng cao mức độ trung thành của người tiêu dùng.
Cân bằng giữa tốc độ, sự đơn giản trong trải nghiệm và các giá trị lý tưởng của khách hàng
Khi bước vào năm 2025, các nhà bán lẻ cũng phải thích nghi với sự thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng. Trọng tâm không còn chỉ là sự tiện lợi mà chuyển sang tốc độ, hiệu quả và sự đơn giản trong trải nghiệm mua sắm.
Andrea Ng cảnh báo rằng mặc dù tốc độ là yếu tố quan trọng, các thương hiệu cần đảm bảo rằng sản phẩm và dịch vụ của họ phải dễ sử dụng. Bà lưu ý:
"Nếu dịch vụ không hiệu quả hoặc quá phức tạp, người tiêu dùng sẽ từ chối."
Ngoài ra, trải nghiệm cá nhân hóa cũng cần được cân bằng với các áp lực tài chính. Người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ Gen Z, ngày càng ưu tiên sự linh hoạt trong cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Họ mong muốn sử dụng tiền một cách thông minh hơn thay vì làm việc chăm chỉ hơn.
Dù vậy, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, nhiều người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với những ràng buộc thực tế, khiến họ khó thực hiện được các giá trị lý tưởng mình muốn tuân theo, ví dụ như tính bền vững và bảo vệ môi trường khi mua sắm sản phẩm.
Hài hòa giữa lý tưởng và thực tế
Sự căng thẳng giữa mong muốn lý tưởng và thực tế tài chính sẽ ảnh hưởng lớn đến cách các thương hiệu xây dựng sản phẩm và thông điệp của mình. Các thương hiệu sẽ cần phải đảm bảo rằng sản phẩm không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức (ví dụ như tính bền vững) mà còn phải phù hợp với khả năng tài chính của người tiêu dùng.
Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, kết hợp giữa công nghệ AI tiên tiến và sự thấu hiểu sâu sắc về tâm lý khách hàng.
Tóm lại, cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng dựa trên AI đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành bán lẻ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để thành công, các thương hiệu không chỉ cần công nghệ tiên tiến mà còn phải xây dựng được sự tin tưởng, tính chân thực và mang lại giá trị thực cho người tiêu dùng. Đây sẽ là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt và duy trì vị thế trong một thị trường đầy cạnh tranh.
AI - niềm tin và tương lai của ngành bán lẻ
Vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tái định hình ngành bán lẻ ngày càng rõ rệt. Theo một nghiên cứu của IBM, 60% người tiêu dùng mong muốn AI đóng vai trò lớn hơn trong trải nghiệm mua sắm, và 52% kỳ vọng các sản phẩm được cá nhân hóa hơn.
Tuy nhiên, niềm tin vẫn là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi này. Các vấn đề như lừa đảo bởi công nghệ deepfake và quyền bảo mật dữ liệu cá nhân đang khiến người tiêu dùng ngày càng thận trọng. Thống kê cho thấy 56% người tiêu dùng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẵn sàng từ chối mua hàng từ những thương hiệu mà họ không cảm thấy tin tưởng.
Để duy trì lòng tin của khách hàng, các thương hiệu cần thận trọng trong việc áp dụng công nghệ mới, đồng thời giữ vững sự minh bạch và tinh thần đạo đức trong kinh doanh.
Trải nghiệm đa kênh và tương lai của ngành bán lẻ
Các chiến lược bán lẻ đang phát triển mạnh mẽ với sự kết hợp giữa trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến được thúc đẩy bởi AI và các công nghệ mới như thực tế ảo (VR). Điều này đặc biệt rõ ràng tại các thị trường như Ấn Độ, nơi ngành bán lẻ dự kiến đạt giá trị 2 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2032.
Tuy nhiên, các cửa hàng truyền thống cũng phải thích nghi với hành vi tiêu dùng thay đổi. Hiện tượng "trung tâm thương mại ma" (ghost malls) đang gia tăng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra trải nghiệm đa kênh liền mạch để thu hút khách hàng.
Những thương hiệu tích hợp AI một cách cẩn thận vào chiến lược của mình sẽ có lợi thế cạnh tranh, nhưng quá trình này cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng và có suy tính.
Nhân vật có sức ảnh hưởng ảo và sức mạnh của mạng xã hội
Mạng xã hội và những người ảnh hưởng ảo (virtual influencers) đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc định hình hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Tại Trung Quốc, các thương hiệu đã đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng những nhân vận có sức ảnh hưởng ảo, trong khi tại Nhật Bản, IKEA đã hợp tác với một nhân vật kỹ thuật số để cải thiện trải nghiệm khi mua sắm tại cửa hàng.
Các nhân vật kỹ thuật số không chỉ thu hút sự chú ý mà còn tạo ra mối liên kết cảm xúc với khách hàng. Điều này mở ra cơ hội cho các thương hiệu tận dụng AI để xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với người tiêu dùng.
Gamification và giá trị cảm xúc trong mua sắm
Gamification (chơi game hóa) là quá trình áp dụng các yếu tố và nguyên tắc của những trò chơi vào các hoạt động không phải trò chơi, nhằm khuyến khích khách hàng tham gia, thúc đẩy hành vi mua sắm và từ đó gia tăng doanh thu của sản phẩm dịch vụ. Các yếu tố này có thể bao gồm những hình thức như: tặng điểm số, huy hiệu, bảng xếp hạng, thử thách và phần thưởng. Mục đích là tạo ra trải nghiệm thú vị, kích thích động lực mua sắm và tăng cường sự gắn kết của khách hàng với thương hiệu.
Tại Hàn Quốc, các nền tảng mua sắm được game hóa (gamified shopping platforms) đang trở thành xu hướng, giúp người tiêu dùng được tối đa hóa cả giá trị tài chính và cảm xúc từ các giao dịch mua sắm. Đây là một gợi ý quan trọng cho các thương hiệu: kết hợp yếu tố giải trí với tính thực tế để tạo ra chiến lược bán lẻ hấp dẫn hơn.
Trong bối cảnh hành vi người tiêu dùng vẫn đang biến động do những bất ổn kinh tế, việc cân bằng giữa sự thận trọng và sự hưởng thụ sẽ tiếp tục là chìa khóa cho sự thành công của các nhà bán lẻ.
(Gemma Iso, “AI-driven personalization to take centre stage in Asia-Pacific retail in 2025”, The Independent Singapore, 2025)
Tin tức
























