
AI Định Hình Cuộc Chơi: Đột Phá Công Nghệ Hay Bước Nhảy Vọt Trong Kinh Doanh

Tại Hội nghị AI tại Paris (AI Action Summit), các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới đã tập trung để thảo luận về tương lai của trí tuệ nhân tạo. Kể từ năm 2018, Pháp đã coi AI là một trong những ưu tiên hàng đầu với những khoản đầu khổng lồ vào nghiên cứu, đào tạo nhân tài, phát triển hạ tầng công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các start-up AI.
Tầm nhìn dài hạn của Tổng thống Emmanuel Macron được thể hiện rõ khi hàng trăm tỷ euro đầu tư vào AI và hạ tầng số được công bố tại hội nghị. Động thái này không chỉ khẳng định vai trò dẫn dắt của Pháp trong lĩnh vực công nghệ mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho sự đổi mới và tăng trưởng bền vững.
Tháng qua, DeepSeek của Trung Quốc bất ngờ vươn lên thành tâm điểm của giới công nghệ. Với các mô hình AI open - source cùng những nghiên cứu mang tính đột phá, DeepSeek đã chứng minh rằng việc đào tạo và vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có thể thực hiện với chi phí thấp hơn đáng kể so với các phương pháp truyền thống.
Trước đây, cuộc đua AI chỉ xoay quanh việc ai sở hữu mô hình thông minh nhất. Mỗi lần ra mắt mô hình mới đều đi kèm với các bảng so sánh về khả năng giải toán, lập trình, tư duy logic. Tuy nhiên, đây là một sân chơi chỉ những gã khổng lồ công nghệ với ngân sách hạ tầng lên tới 60-80 tỷ USD mỗi năm mới có thể tham gia.
Hãy tưởng tượng, việc đào tạo một mô hình AI cũng giống như nuôi dạy một đứa trẻ, cần ít nhất 25 năm học tập, hàng ngàn cuốn sách và thầy cô để một người trở thành chuyên gia. Nếu cuộc đua AI chỉ tập trung vào việc tạo ra những bộ óc siêu việt, thì chẳng khác nào chỉ một nhóm nhỏ những “phụ huynh giới siêu giàu” mới có thể nuôi con giành giải Nobel. Vậy phần còn lại của thế giới thì sao? DeepSeek đã tạo ra một cú sốc lớn, không chỉ trong ngành AI mà còn trên thị trường tài chính. Sự kiện này cho thấy một sự chuyển dịch quan trọng trong ngành, đặt ra hai câu hỏi lớn mà tất cả doanh nghiệp và nhà đầu tư cần suy ngẫm.
Trong nhiều năm qua, cuộc đua AI được định nghĩa bằng việc tạo ra mô hình thông minh nhất. Nhưng những tiến bộ gần đây đã cho thấy một thực tế rõ ràng: AI dù tiên tiến đến đâu, nếu không có ứng dụng thực tiễn, thì giá trị của nó cũng trở nên vô nghĩa.Trong tương lai, các nhà phát triển sẽ tập trung vào những ứng dụng AI có thể mang lại lợi ích thực sự cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều này mở đường cho sự phát triển của những mô hình AI chuyên biệt, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể một cách tối ưu nhất. Dòng vốn đầu tư sẽ luôn tìm đến những công nghệ có khả năng thương mại hóa và tạo ra lợi nhuận bền vững.
Trước đây, ngành AI dựa vào nguyên tắc rằng mô hình càng lớn, dữ liệu huấn luyện càng nhiều, tài nguyên tính toán càng mạnh thì trí tuệ AI càng vượt trội. Nhưng giờ đây, AI phải mang lại giá trị thực tế, tiết kiệm chi phí và giúp doanh nghiệp phát triển.
Sự trỗi dậy của AI open - source đang tạo ra một bước ngoặt mới, giúp công nghệ AI trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Giờ đây, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể triển khai AI trên nền tảng họ lựa chọn, từ data center quy mô lớn đến laptop cá nhân, mà không cần phụ thuộc vào hạ tầng đắt đỏ của các tập đoàn công nghệ lớn. Điều này đánh dấu sự thay đổi trong cuộc chơi AI, khi các công ty nhỏ hơn cũng có thể tận dụng sức mạnh của AI để phát triển sản phẩm và tối ưu vận hành. Trong tương lai, AI sẽ không chỉ là đặc quyền của các tập đoàn công nghệ lớn, mà sẽ trở thành công cụ phổ biến, phục vụ nhiều ngành nghề khác nhau.
Lấy ví dụ trong ngành E-commerce, một trợ lý mua sắm bằng AI có thể hỗ trợ khách hàng tìm kiếm sản phẩm phù hợp mà không cần một mô hình AI khổng lồ. Giống như một nhân viên bán hàng giỏi, họ có thể hiểu tâm lý khách hàng mà không cần có bằng PhD về toán học hay vật lý.
Với sự phát triển của AI open-source, các doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn có cơ hội đưa AI vào thực tiễn, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo ra những đột phá mới trong kinh doanh.
Cuộc đua AI đang bước sang một giai đoạn mới, nơi sự thông minh tuyệt đối không còn là yếu tố quyết định, mà thay vào đó, giá trị thực tiễn và tính ứng dụng sẽ định hình tương lai của công nghệ này. Hãy thử hình dung: việc đào tạo một đứa trẻ để giành giải Nobel có thể không quan trọng bằng việc xây dựng một thế hệ có kỹ năng, có khả năng làm việc và đóng góp cho xã hội. AI cũng vậy: tại sao phải chạy đua để tạo ra mô hình thông minh nhất, khi rất ít người thực sự quan tâm đến ai có IQ cao nhất thế giới?
Cuối cùng, quy luật kinh tế sẽ định hướng sự phát triển của AI. Vốn đầu tư sẽ không còn tập trung vào những mô hình AI khổng lồ tiêu tốn tài nguyên, mà sẽ dịch chuyển sang những công ty có thể phát triển AI với chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn.
Tương lai sẽ thuộc về những mô hình AI chuyên biệt, giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán thực tế, tối ưu vận hành và tạo ra giá trị kinh tế rõ ràng. Đây không chỉ là một bước tiến trong công nghệ, mà còn là cơ hội để AI trở nên dễ tiếp cận hơn, giúp nhiều doanh nghiệp khai thác tiềm năng của AI và mang lại những ứng dụng thiết thực, phục vụ đời sống và kinh doanh.
(“Rethinking AI development: maximum intelligence vs useful applications”, South China Morning Post, 2025)
Tin tức
























