
Bùng Nổ Công Nghệ AI: Cách Chat GPT Và DEEPSEEK Dẫn Đầu Cuộc Cách Mạng Công Nghệ

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một phần quan trọng trong suốt thập kỷ qua, từ việc gợi ý sản phẩm mua sắm cho người tiêu dùng đến hỗ trợ y tế. Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng phát triển cũng kèm theo những lo ngại việc lạm dụng AI kèm theo các vấn đề đạo đức và tác động đến môi trường công sở.
Vậy AI là gì và được sử dụng như thế nào?
AI (trí tuệ nhân tạo) là công nghệ giúp máy tính có khả năng học hỏi và giải quyết vấn đề giống như con người. Dù máy tính không thể tự suy nghĩ hay cảm nhận, nhưng các nhà khoa học đã tạo ra những hệ thống giúp chúng làm được những việc trước đây chỉ con người mới làm được, như tiếp thu kiến thức, học từ dữ liệu và áp dụng những gì đã học vào thực tế. Các chương trình AI có thể xử lý nhiều dữ liệu, nhận ra các mẫu và thực hiện các hướng dẫn về cách sử dụng thông tin đó.
Khi mua sắm trực tuyến, AI sẽ dựa vào các sản phẩm người mua từng chọn để gợi ý những món hàng phù hợp. Các trợ lý ảo như Siri của Apple hay Alexa của Amazon cũng sử dụng AI để hiểu và trả lời yêu cầu của bạn. Ngoài ra, AI còn là nền tảng cho công nghệ xe tự lái.
AI cũng giúp các mạng xã hội như Facebook, TikTok và X quyết định bài viết nào sẽ xuất hiện trên trang của người dùng. Các dịch vụ nghe nhạc như Spotify và Deezer sử dụng AI để gợi ý bài hát mà người dùng có thể yêu thích.
Trong lĩnh vực y tế, AI giúp các bác sĩ phát hiện ung thư nhanh hơn, hỗ trợ chẩn đoán và tìm ra những loại thuốc mới. Công nghệ nhận diện hình ảnh từ AI còn giúp bác sĩ X-quang đọc và phân tích kết quả chụp chính xác hơn, hỗ trợ rất nhiều trong việc chăm sóc sức khỏe con người.
Các chương trình Gen AI như ChatGPT, DeepSeek và Midjourney là gì?
Gen AI là công nghệ có thể tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh, video hay âm nhạc, giống như con người làm. Nó học từ kho dữ liệu khổng lồ trên internet, bao gồm các bài viết, hình ảnh và nhiều loại nội dung khác. Các công cụ gen AI quen thuộc hiện nay có thể kể đến như ChatGPT và chatbot DeepSeek từ Trung Quốc. Trong khi Midjourney giúp tạo ra hình ảnh chỉ từ những câu lệnh đơn giản, thì Gemini của Google hay Meta AI có thể trò chuyện trực tiếp với người dùng qua tin nhắn.
Không chỉ dừng lại ở văn bản hay hình ảnh, gen AI còn có khả năng tạo ra video và các bài hát chất lượng cao. Nhiều bản nhạc do gen AI tạo ra bắt chước phong cách của những ca sĩ nổi tiếng đến mức khiến người nghe khó phân biệt đâu là thật, đâu là do máy tạo ra.
Tại sao AI lại gây tranh cãi?
Dù gen AI có rất nhiều tiềm năng, nhưng nhiều chuyên gia lo lắng về việc công nghệ này phát triển quá nhanh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng AI có thể ảnh hưởng đến gần 40% công việc trên toàn thế giới và làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Thậm chí, giáo sư Geoffrey Hinton - một trong lĩnh vực AI còn lo ngại rằng AI có thể đe dọa sự tồn tại của loài người.
Một số người cũng lo lắng rằng AI có thể tạo ra thông tin sai lệch hoặc có hành vi phân biệt đối xử. Điều này là do AI được huấn luyện từ dữ liệu công khai trên internet, bao gồm các bài đăng và bình luận, vốn có thể chứa thành kiến về giới tính, chủng tộc hoặc định kiến xã hội. Dù AI ngày càng thông minh, nó vẫn có thể mắc lỗi và đưa ra thông tin không đúng sự thật, khiến người dùng dễ bị nhầm lẫn.
Đã có những ví dụ rõ ràng về việc AI gây ra thông tin sai lệch. Tháng 1 vừa qua, Apple buộc phải tạm dừng một tính năng AI mới vì đã tóm tắt sai nội dung từ các ứng dụng tin tức. BBC từng chỉ ra rằng AI của Apple đã nhầm lẫn khi nói rằng một người bị cáo buộc giết CEO của UnitedHealthcare đã tự sát. Google cũng bị chỉ trích khi công cụ AI của họ đưa ra các câu trả lời sai trong phần tìm kiếm, khiến nhiều người lo lắng khi AI được sử dụng trong trường học hoặc nơi làm việc.
Ngoài ra, nhiều nhà văn, nhạc sĩ và nghệ sĩ đang phản đối việc AI dùng tác phẩm của họ để huấn luyện mà không xin phép hay bồi thường. Họ cho rằng điều này đe dọa công việc và quyền lợi của người sáng tạo. Vào tháng 10 năm 2024, hàng nghìn người nổi tiếng, bao gồm nhạc sĩ Björn Ulvaeus (nhóm Abba), các tác giả Ian Rankin, Joanne Harris và diễn viên Julianne Moore, đã cùng ký vào một tuyên bố gọi AI là “mối đe dọa lớn và không công bằng” đối với nghề sáng tạo.
AI ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?
AI không chỉ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, mà còn tác động đến môi trường. Dù chưa có con số chính xác, các nhà nghiên cứu ước tính rằng ngành AI có thể sớm tiêu thụ lượng năng lượng lớn ngang với cả đất nước Hà Lan. Ngoài ra, việc sản xuất các con chip và vi mạch để vận hành AI cũng cần rất nhiều năng lượng và nước.
Khi nhu cầu sử dụng gen AI và các dịch vụ liên quan tăng cao, số lượng trung tâm dữ liệu cũng ngày càng nhiều. Những trung tâm này chứa hàng nghìn máy chủ, hoạt động liên tục và tiêu tốn một lượng lớn điện năng. Để giữ cho các máy chủ không bị nóng quá mức, người ta cũng phải sử dụng rất nhiều nước để làm mát.
Một số công ty công nghệ lớn đã đầu tư vào các giải pháp thân thiện hơn, như tái sử dụng nước hoặc chuyển sang làm mát bằng không khí để giảm tác động xấu đến môi trường. Tuy vậy, các chuyên gia và nhà bảo vệ môi trường vẫn lo ngại rằng sự phát triển nhanh của AI có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ở nhiều nơi.
Ví dụ, vào tháng 2 vừa rồi, BBC cho biết kế hoạch của chính phủ Anh nhằm trở thành nước dẫn đầu về AI có thể làm tăng áp lực lên nguồn nước uống vốn đã hạn chế. Tại Chile, nơi đang bị hạn hán, Google cũng đã thông báo vào tháng 9 năm 2024 rằng họ sẽ phải xem xét lại kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu vì những lo ngại về môi trường.
Các quy định về AI hiện nay
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu đặt ra các quy định để kiểm soát cách AI hoạt động. Ở Liên minh Châu Âu (EU), Luật Trí tuệ Nhân tạo được áp dụng để quản lý chặt các hệ thống AI có nguy cơ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, pháp luật và bầu cử. Một số ứng dụng AI nguy hiểm thậm chí còn bị cấm hoàn toàn.
Tại Trung Quốc, các công ty phát triển AI phải tuân theo quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo rằng thông tin mà AI đưa ra là chính xác. Bên cạnh đó, họ còn phải tuân thủ các quy định kiểm duyệt rất nghiêm ngặt của chính phủ.
Ở Vương quốc Anh, Thủ tướng Sir Keir Starmer cho biết chính phủ sẽ cẩn thận tìm hiểu và đánh giá kỹ AI trước khi ban hành các quy định. Ngoài ra, cả Vương quốc Anh và Mỹ đều đã thành lập Viện An toàn AI, nơi giúp đánh giá rủi ro và kiểm tra những mô hình AI tiên tiến nhất.
Năm 2024, Anh và Mỹ đã ký một thỏa thuận hợp tác để cùng phát triển các phương pháp kiểm tra và đảm bảo an toàn cho AI. Tuy nhiên, đến tháng 2 năm 2025, cả hai nước lại không ký vào tuyên bố quốc tế về AI, trong đó kêu gọi các quốc gia sử dụng công nghệ AI một cách cởi mở và bền vững.
Ngoài ra, một số quốc gia, bao gồm cả Vương quốc Anh, cũng đang thắt chặt các quy định nhằm ngăn chặn việc sử dụng AI để tạo ra hình ảnh giả mạo và các tài liệu liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, nhằm bảo vệ cộng đồng và môi trường trực tuyến an toàn hơn.
(“What is AI, and how do programmes like ChatGPT and DeepSeek work?”, BBC, 2025)
Tin tức
























